XỨ NGHỆ - một vùng văn hóa nghĩa tình

Thứ hai - 05/08/2013 21:17
Thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một anh dân Nghệ nhưng đã "trôi nổi" cùng văn chương, nghệ thuật trên nhiều nẻo đường, nhiều không gian khác nhau của Cái Đẹp. Anh, hình như không còn chỉ là của xứ Nghệ. Nhưng dẫu anh có đi đâu thì chúng tôi vẫn thấy anh neo cuộc đời mình nơi chôn râu cắt rốn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nho nhỏ với anh...

MẤY chục năm hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật, đi nhiều, trong nước cũng như nước ngoài, lại có nhiều năm hoạt động trên chính quê hương, ông thấy những đặc điểm, những cái khác của văn hóa quê ta so với các vùng miền khác như thế nào?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nếu văn hóa Âu-Mỹ đề cao quyền tự do cá nhân thì ngược lại, văn hóa Việt Nam lại đề cao quan hệ gia đình và cộng đồng mà xứ Nghệ là một điển hình. Tôi cho rằng hai từ “đồng hương” là bắt nguồn từ dân Nghệ trong chiến tranh. Hai từ ấy nó gắn người ta lại với nhau, thương nhau, giúp nhau trong hoạn nạn, sống chết có nhau… Đặc điểm nổi bật đó có cái hay và cái dở. Hay, như tôi đã nói; và dở là dễ “chiếu cố”, “nới tay, dở hơn là kéo bè kết cánh với nghĩa xấu… Nhưng dầu sao thì cái hay vẫn là chủ đạo, nó tạo nên một văn hóa Nghĩa Tình. Nếu người ta sống với nhau “trọn Nghĩa vẹn Tình” thì còn gì bằng.

Theo ông thì yếu tố nào quan trọng nhất, có vai trò quyết định tạo nên bản sắc văn hóa xứ Nghệ?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Xứ Nghệ là xứ của ông Đồ, cũng có nghĩa là xứ học. Đấy cũng là xứ Địa linh nhân kiệt. Không có học thì không thể có nhân kiệt được. Những người tài giỏi dù là của hiếm, của Trời cho, nhưng không học thì không trở thành nhân kiệt được. Học là cả một quá trình tích lũy, học thầy, học bạn, học trong sách vở, học ở cuộc đời. Cái đức cần kiệm, cần cù của người Nghệ nổi tiếng đến thành giai thoại “Cá gỗ” thì cũng đáng tự hào lắm chứ? Chính nhờ cần cù, cần kiệm mà người Nghệ thành đạt nhiều. Thành đạt nhờ học mà biết. Biết rộng biết sâu thì rút được bài học cho riêng mình để mà làm, mà sống giữa thiên hạ thế nào cho hay cho phải. Phải chăng đấy cũng là nét đặc sắc làm nên văn hóa Nghệ?

Những phẩm chất nào là nổi trội nhất của người Nghệ? và ông yêu những phẩm chất nào của người Nghệ nhất?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Phẩm chất người Nghệ có lẽ cũng là phẩm chất của người Việt Mường. Có thật thà và có ma lanh. Có khôn ngoan và có khờ dại. Có dũng cảm và có cơ hội. Có thẳng thắn và có ngang ngạnh, thậm chí cũng lắm chất gàn. Nhưng nhìn chung, người Nghệ dám làm, dám xả thân, dám sống và dám chết. Tôi yêu cái tính quyết liệt vì nghĩa lớn của người Nghệ. Những cái gàn thì nghĩ lại, đôi khi thấy rùng mình, thấy dại. Gàn là chủ quan, tưởng mình biết hết; gàn là bất chấp các quy luật khách quan; gàn là duy ý chí…

Văn chương của người Nghệ thời hiện đại có phong phú và có vị trí xứng đáng trong văn đàn cả nước không, thưa ông? Có đúng là có nhiều người Nghệ xa quê sáng tạo văn chương có nhiều thành tựu hơn đồng nghiệp ở trong tỉnh? Tại sao vậy, thưa ông?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Khi xứ Nghệ là tỉnh Nghệ Tĩnh, số lượng nhà văn đứng đầu các tỉnh trong toàn quốc. Ngay hiện nay, riêng huyện Diễn Châu của Nghệ An cũng đang có hơn 20 nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn VN, nhiều hơn số lượng nhà văn của một số tỉnh khác. Điều đó chứng tỏ xứ Nghệ là xứ Văn chương. Nói đến văn tài thì thiên hạ cũng không ít, nhưng xứ Nghệ thời hiện đại có khá nhiều những nhà văn nổi tiếng. Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng văn chương và nhân cách, còn phải tốn nhiều giấy mực để nói về ông. Hoàng Ngọc Hiến lại là một nhà phê bình xuất sắc chuyên đề xướng những luận điểm làm giật mình cả nền văn học nước nhà. Còn nói nhà văn xứ Nghệ xa quê có nhiều thành tựu hơn các nhà văn ở trong tỉnh thì không đơn giản như vậy. Vì các nhà văn thường hội tụ ở các trung tâm văn hóa chính trị của đất nước, và các nhà văn quê xứ Nghệ cũng không thoát ly khỏi điều đó. Có mấy câu thơ được mô-ni-phê khá vui:

Thân thể ở trong Vinh

Tinh thần ở ngoài Vinh

Muốn nên sự nghiệp lớn

Mau mau chuồn khỏi Vinh!

Đấy là người Nghệ thích nói trạng mà thôi. Vì người Nghệ do khó khăn vất vả nhiều về đời sống nên thường phải đi xa lập nghiệp, và thành đạt ở xa cũng nhiều. Cũng là do cái chí đi lên của người Nghệ khó mà cản được. Tuy nhiên rất nhiều người tài vẫn ở lại quê hương. Ở làng như nhà thơ Huy Huyền. Ở phố như nhà thơ Thạch Quỳ, Lê Thái Sơn, nhà văn Nguyễn Thị Phước. Tác phẩm của họ vẫn gây tiếng vang trong cả nước.

Từ Hà Nội nhìn về quê, ông có nhận xét gì về đời sống âm nhạc tỉnh nhà trong những năm vừa qua? Về tác phẩm, tác giả chẳng hạn, nhất là các tác giả trẻ?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thời nhạc sĩ Hồ Hữu Thới làm Giám đốc Sở Văn hóa, âm nhạc Nghệ An khá rôm rả. Nhiều tác phẩm nổi tiếng và chưa nổi tiếng đều được xuất bản thành sách, thành băng, đĩa, hay phát sóng phát thanh, truyền hình cho cả nước biết. Nhờ vậy mà âm nhạc Nghệ An được ghi nhận như một vùng âm nhạc có bản sắc riêng đậm đà chất dân ca xứ Nghệ. Các tác giả gạo cội như Lê Hàm, Ánh Dương vẫn có nhiều tác phẩm mới khi tuổi đã cao. Và lớp trẻ cũng trưởng thành lên như Mai Cường, Hoàng Thành, Phan Hồng Trường… Gần đây, các tác phẩm âm nhạc của Nghệ An chưa có gì nổi trội lắm. Ấy cũng vì nó bị những sinh hoạt âm nhạc tỉnh lẻ chi phối. Điều này khiến nhiều nhạc sĩ hay ca sĩ tỉnh lẻ thường đổ về các trung tâm âm nhạc lớn để phát huy tài năng của họ. Tuy nhiên, các nhạc sĩ cũng cần nhìn lại mình để sáng tạo những tác phẩm vượt tầm một địa phương…

Tại sao chúng ta đợi mãi mà vẫn chưa thấy tác phẩm nào “ngang tầm thời đại”? Hay là vì chúng ta chưa nhận ra tác phẩm đó?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Ngay 4 từ “ngang tầm thời đại” cũng làm tôi khá khó hiểu. Tôi nghĩ đó chỉ là một cái khung đưa ra để khung các nhà sáng tạo mà thôi. Tại sao lại không đưa ra là “vượt tầm thời đại”? Vì thực tế trên thế giới nhiều tác phẩm đã đi trước thời đại của nó. Ở ta, bài hát “Tiến về Thủ Đô” của Văn Cao được viết trước khi giải phóng Thủ Đô 5 năm, và khi Thủ Đô giải phóng (1954) thì bài hát đó được cất lên như vừa mới làm ra. Tôi nghĩ rằng, nhà văn hay nhạc sĩ hãy viết những gì mình tâm huyết nhất, dù viết về chiến thắng hay chiến bại, dù viết về niềm vui hay nỗi buồn, dù viết về cả một cuộc chiến tranh hay chỉ viết về một trận đánh, thì cái giá trị “tầm thời đại” của nó cũng không nhất thiết phụ thuộc vào điều đó mà phụ thuộc vào tính khái quát, tính dự báo và tính nhân văn của chính tác phẩm mà thôi.

Ông đã có Trường ca Đồng Lộc viết về xứ Nghệ, có Khúc hát sông quê mà hát lên, ai cũng nghĩ đó là bài hát ông viết cho quê hương… Vậy ông sẽ còn có những gửi gắm của ông với quê hương xứ Nghệ của ông nữa chứ?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Là một người con xa quê, nhưng vẫn luôn về quê, vẫn đau đáu cái chất Nghệ trong mình, tôi rất vui khi những người dân xứ Nghệ vẫn nghĩ về tôi là một người Nghệ. Tôi mong chất Nghệ sẽ không phai nhạt trong mỗi người Nghệ, dù người đó đang xa quê hay đang ở chính quê mình. Còn tôi, tất nhiên, dù ở đâu thì vẫn nhớ cái ngọn cỏ may quê kiểng thuở ấu thơ, nó găm vào mình như nhắc nhở mình:

Cỏ may khâu áo làng quê

Cớ chi gió thổi bay về trời cao

Ta lên sân thượng, chạm vào

Cỏ may!

Ta cúi xuống chào cỏ may….

Tôi vẫn thường đọc www.NguyenTrong Tao.org, thấy có nhiều bài hay và đọc được ông rất rõ. Văn là người mà. Gần đây nhất tôi thấy ông có bàn về "Cái giá của văn học". Tôi có thể giới thiệu ra đây để mọi người cùng đọc không?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi đồng ý.

 Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay407
  • Tháng hiện tại9,309
  • Tổng lượt truy cập1,339,570
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây