Website Trường Tiểu học Nghi Kim, Vinh, Nghệ An

http://tieuhocnghikim.vinhcity.edu.vn


Quan điểm chung của Bác Hồ về đạo đức cách mạng

Đạo đức cách mạng là gì ? Thế nào là tinh thần trách nhiệm ? thế nào là cần, kiệm, liêm, chính ? Thế nào là nhân, nghĩa, trí, dũng ? Qua một số cuộc nói chuyện Bác Hồ đã làm rõ các ý đó cho cán bộ, chiến sĩ ta.
Người cán bộ cách mạng

    Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

    Nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường.

    Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

    Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không...

Người cán bộ cách mạng,
tháng 3 -1955, Sđd, tập 7, tr. 480.

Đạo đức cách mạng

    ...Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

    Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

    Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.

    Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

    Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.


Thi hành đạo đức cách mạng

    ...Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân...

    Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng...

    Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng...


Tinh thần trách nhiệm là gì?

    Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công.

    Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm.

    ...Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ.

    ...Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ
Tinh thần trách nhiệm,
ngày 31-12-1951, Sđd, tập 6, tr. 345-346.

Tự do tư tưởng

    … Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.

    Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý.

Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.

Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị I,
trường Đại học nhân dân Việt Nam
 ngày 21-7 -1956, Sđd, tập 8, tr. 216.

Cần

    Tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai...

    Tục ngữ ta có câu:

    Nước chảy mãi, đá cũng mòn.

    Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

    Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được.

    Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ.

    Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần.

    Người siêng năng thì mau tiến bộ.

    Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

    Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

    Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu.

    Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng...

    Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố sống cố chết trong một ngày, một tuần, hoặc một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là Cần.

    Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.

    Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần.

    Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc.

    Một người lười biếng, có ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn hàng vạn người khác...

    ... Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe.

    Vì vậy, người lười biếng là có tội lỗi với đồng bào, với Tổ quốc...

Kiệm

    Kiệm là thế nào?

    Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.

    Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau như hai chân của con người.

    Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy hết ra chừng ấy, không lại hoàn không.

    Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.

    ... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn.

    Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.

    Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn chứ không phải là kiệm.

    Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ.

    Việc đáng làm trong 1 giờ, mà kéo dài 2, 3 giờ, là xa xỉ.

    Hao phí vật liệu, là xa xỉ.

    Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ.

    Vì vậy xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.


Tiết kiệm

    …Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải tiêu cực.
Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu,
tháng 5-1952 , Sđd, tập 6, tr. 485

Liêm

    Liêm là trong sạch, không tham lam.

    Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

    Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

    Ngày nay, nước ta là dân chủ cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là trung với Tổ quốc; hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

    Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam...

Chính

    Chínhnghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.

    Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả, mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

    Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người Thiện và người Ác.

    Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà.

    Làm việc Chính, là người Thiện.

    Làm việc Tà, là người Ác.

    Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện.

    Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác...

Người còn giải nghĩa Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm trong đạo đức cách mạng:

  a) Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà… không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.
    Những người đã… không ham, không e, không sợ gì thì việc gì phải họ đều làm được.

    b) Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

    c) Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

    d) Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

    e) Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

    Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.
   

Tác giả bài viết: Đan Khánh Linh - Giáo viên THCS Liêm Chính - Hà Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây