“Tôn sư trọng đạo” luôn phải được coi trọng

Thứ tư - 25/04/2012 21:25
“Có thể về công việc, về cuộc đời, trò hơn thầy, nhiều người có bạc tỉ, có ô tô, có nhà lầu, nhưng không vì thế có thể thay đổi cách ứng xử được với thầy của mình”.


GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học tâm lí giáo dục Việt Nam, chia sẻ với Báo GDVN xung quanh vụ học viên cao học cãi nhau tay đôi với thầy giáo tại ĐH Bách Khoa.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, ở bất cứ thời nào, cách ứng xử giữa thầy-trò phải có chuẩn mực, bất kể đối tượng là học sinh, sinh viên, học viên cao học hay nghiên cứu sinh, đều là người học. Tuy nhiên, đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh thường đã trưởng thành, đã có kinh nghiệm sống thì phải có cách ứng xử có học. “Nếu cãi nhau với thầy, đó không còn là vấn đề bài học mà đó là thái độ. Ở thời nào cũng thế, thầy phải ra thầy, trò ra trò”, GS Hạc cho biết.

Hơn 50 năm làm công tác giáo dục (1962-2012), 50 năm đúc rút nhiều kinh nghiệm sống, tính từ khi làm Viện phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và 26 năm tham gia công tác quản lí liên tục (1980-2012), giữ các chức vụ khác nhau, GS Phạm Minh Hạc luôn mày mò, tìm hiểu và chia sẻ những ý kiến tinh túy nhất cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.

Nhân sự việc trò “bật” thầy của một học viên cao học tại Trường ĐH Bách Khoa vừa qua, GS. Phạm Minh Hạc có dẫn lối tới một số quan điểm, cách nhìn nhận về tính “phản biện” hay “tranh luận” giữa thầy – trò trong môi trường giáo dục xưa và nay.

GS Hạc cho rằng, tính phản biện ở trong bài giảng, học sinh, sinh viên có thể đứng dậy hỏi lại thầy, đóng góp ý kiến, nêu ý kiến của mình, có thể tranh luận với bạn, thậm chí với thầy để tìm ra một cách giải quyết vấn đề. Dưới góc độ là người thầy làm khoa học thì có thể bài nào cũng là một khái niệm đối với sinh viên, đó là tri thức mới, khái niệm mới, quy luật mới. Người thầy biết 10 nhưng chỉ truyền thụ cho trò được 1 mà thôi. GS Hạc dẫn chứng, thời xưa để giảng giải một chữ trong Luận Ngữ, trong Tứ Kinh thì một câu có không biết bao nhiêu khái niệm, một khái niệm không biết bao nhiêu nghĩa. Do vậy, chuyện trò “bật” thầy xưa kia là chuyện hiếm và hầu như không có, thậm chí thời đó trò sùng bái thầy gần như tuyệt đối.

Trò có gan “bật” thầy trước hết phải đọc sách, trong đầu phải có tri thức, “Cho nên người ta đánh giá câu hỏi cũng là một trình độ của người hỏi”, GS Hạc nói.

Khác với các nước, nền giáo dục của chúng ta có đi chậm so với thế giới, ngay như tại nước Úc, giáo dục không có khái niệm bài giảng mà thay vào đó bài giảng chỉ là trò chuyện nêu vấn đề, sinh viên về tự học để tìm đến với kết luận.

Ở ta, theo GS Hạc với thời đại công nghệ, học trò không khó gì để tìm hiểu nhiều kiến thức, vấn đề, đó là một điều kiện tốt, nhưng không quá lạm dụng. Trở lại vấn đề, một vấn đề tranh luận được coi là quá giới hạn, theo GS Hạc với tinh thần hợp tác của sinh viên một cách nghiêm túc, với trách nhiệm của người thầy thì sẽ không có giới hạn nào. Tuy nhiên, nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì trên quan điểm, thầy vẫn phải ra thầy, và trò phải ra trò. Quan niệm này ở thời nào vẫn phải có và giữ. “Mặc dù hoàn cảnh mới, nhưng bất cứ môi trường giáo dục nào cũng cần phải nghiêm khắc. Tất nhiên ở đâu cũng có tích cực và tiêu cực, nhưng tôi nghĩ những nơi nghiêm túc sẽ có ít tiêu cực hơn” GS Hạc chỉ rõ.

Cùng quan điểm trên, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, nguyên tắc của người  học là tôn sư trọng đạo, thế nên mới có thầy-trò. Trong giờ học, quan hệ thầy trò có vấn đề gì cùng nhau trao đổi với tinh thần thân thiện để tìm ra sự thật, tìm ra chân lí. Ngược lại, thầy không đúng, thầy cũng sẵn sàng nhận cái không đúng.

Quan hệ, ứng xử, tranh luận trong thầy-trò, GS Nhĩ cho biết, người thầy không phải lúc nào và cái gì cũng đúng, phải lắng nghe, thái độ đó mới là tốt. “Phê bình và tự phê bình, rõ ràng trong xã hội không có ai hoàn thiện cả. Mình lắng nghe sẽ hoàn thiện mình một cách tốt hơn, chứ ko phải động cái là tự ái, tự cao, tự đại, ai động tới mình đều nảy lửa lên, tất cả chuyện đó đều không đúng” GS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Với kinh nghiệm của mình, GS Nhĩ chia sẻ, cách ứng xử thân thiện, cùng nhau giải quyết vấn đề thì sẽ không bao giờ có phản ứng thái quá giữa thầy-trò. Ngược lại, sự cãi vã trong lớp, trong trường giữa thầy-trò là  một hình ảnh không đẹp trong giáo dục, sự nghiệp giáo dục không bao giờ để chuyện đó xảy ra.
 

Tác giả bài viết: GDVN

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập5
  • Hôm nay197
  • Tháng hiện tại4,232
  • Tổng lượt truy cập1,334,493
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây